Mẹ, thơm một cái
Phan_13
May thay bà thím (lắm lời) người nhà của giường đối diện, ngoài vụ mỗi ngày đủ ba bận hỏi han chúng tôi ăn gì bao nhiêu tiền có bị đắt chỗ nào không, thì triết lý lắm lời của bà cũng bao hàm cả thực tế quan tâm người khác. Khi ra ngoài mua cơm bà luôn hỏi bệnh nhân cô đơn kia muốn ăn gì, bà tiện thể mua về cho, rất là tốt bụng. Tôi nghĩ người cực kỳ tốt bụng thì lắm lời một chút cũng dễ hiểu.
Mặc dù có những bác sĩ thái độ rất kém, nhưng nói chung Chương Cơ là một nơi chan chứa tình người. Bên khoa Dinh dưỡng biết chuyện người bệnh cô đơn, đã chủ động cung cấp đồ ăn miễn phí, y tá còn phân công nhau pha sữa cho bệnh nhân. Có một thím lao công quét dọn thương tình dúi cho ông già 3000 tệ để ông tự lo liệu, còn tặng thêm một hộp sữa bột Sơn Dược, nói là tích chút phúc đức, khiến người khác nhìn vào cũng cảm nhận được sự ấm áp.
So ra, mẹ rất hạnh phúc.
Mong sao ngoài hạnh phúc, mẹ còn có thêm chút may mắn, để chúng tôi sớm đến lượt ở phòng đơn, có ti vi điều khiển từ xa.
18/4/2005
Tôi là người cực kỳ thích xem phim.
Trong thời đại này, rất hay nghe thấy ai đó khi miêu tả bản thân lại xen thêm những cụm “thích xem phim”, hoặc “cực kỳ thích xem phim”, hoặc “gặm phim mà sống”, cho nên “thích xem phim” không còn khả năng thể hiện chính xác đặc điểm của một người nữa, và trở thành một tiêu chí thiếu chính xác về tính cách.
Nhưng tôi vẫn cứ muốn mô tả mình như thế, một kẻ rất thích phim. Thích xem, thích bàn luận, thích bàn đi luận lại nhiều lần, thậm chí thích tới mức muốn dấn thân vào.
Điện ảnh là một trải nghiệm hình ảnh rất kỳ diệu.
Có những lúc tôi cực đoan đến độ cho rằng chỉ xem phim trong rạp mới có cái gọi là cảm giác xem phim. Rạp có màn ảnh cực lớn (bạn cứ việc dùng máy chiếu hoặc LCD 42 inches đi, tôi vẫn sẽ không công nhận cái rạp hát tại nhà của bạn to hơn màn ảnh tại rạp!), âm thanh tuyệt vời (Thế nào! Nhà bạn có dàn âm thanh surround trị giá hàng trăm ngàn tệ? Tôi không nghe tôi không nghe!), quan trọng hơn nữa, rạp hát là không gian công cộng – nơi không có cái điều khiển từ xa của riêng ai, không ai bấm nút pause thô lỗ khi không thể nhịn tiểu hay đặc biệt ưa thích cảnh đó, hoặc tua nhanh, nhảy cóc qua những đoạn nhạt nhẽo, hoặc tua ngược để xem lại nữ nhân vật chính đã “lộ hàng” chưa.
Tóm lại, bạn phải ngoan ngoãn ngồi tại ghế, ngoan ngoãn đi theo một công trình hình ảnh mà đạo diễn thiết kế ra, xem lần lượt từng tình tiết. Nếu bạn buồn tẻ, xin lỗi nhé, bạn sẽ phải hy sinh một vài hình ảnh có thể là rất hấp dẫn. Nếu không thì phải chấp nhận tè ra quần.
Đó chính là phim, hấp dẫn chưa!
Đừng có nói với tôi là cái rạp hát tại gia của bạn chứa được ba trăm con người nhé, thế nên rạp hát siêu sang của nhà bạn thiếu đi tiếng cười, tiếng vỗ tay, tiếng xuýt xoa và cả nước mắt của ba trăm con người. Hiệu quả của điện ảnh chỉ thực sự có được khi nó trở thành một cảm thụ tập thể, chứ không phải ở những lý giải quá mức cá nhân (những ngẫm ngợi cá nhân dĩ nhiên rất quan trọng, nhưng chúng hoàn toàn có thể được lưu giữ đồng thời với những cảm thụ tập thể). Ví dụ phim Mười cách gặp ma của anh em nhà họ Bành[1], nếu bạn xem một mình trên xô pha phòng khách, tôi cam đoan bạn không nặn ra nổi nửa nụ cười vì run không ngớt. Nhưng nếu vào rạp cùng xem với năm trăm khán giả, bạn sẽ cười từ đầu đến cuối, cảm nhận được tính “đa nguyên tố” vừa kinh dị vừa hài hước của bộ phim này.
[1] Chỉ hai anh em sinh đôi Bành Phát và Bành Thuận, là biên kịch và đạo diễn nổi tiếng Hong Kong.
Ngoài một số phim cần đến kỹ xảo âm thanh ánh sáng, như Lord of the Rings, Star Wars, Matrix..., xem ở rạp mới được hỗ trợ công nghệ tối ưu, những bộ phim nghệ thuật có tiết tấu chậm hay những phim truyện không đậm không nhạt cũng rất phù hợp thưởng thức ngoài rạp. nói thế nào nhỉ? Có những phim nghệ thuật nếu biến thành một cái đĩa quang chạy trong ổ đĩa máy tính sẽ làm tôi mất khả năng tập trung tinh thần, hay nói chính xác hơn là mất mong muốn được chăm chú thưởng thức nó. Tôi sẽ không tránh khỏi cắt ngang nó vì còn bận những việc khác như đi ăn cơm, mở tủ lạnh kiếm đồ ăn, chơi game, hoặc phải đi chơi bóng chày vv... Nhưng trên thực tế bộ phim đó có thể rất hay, chỉ cần tôi ngoan ngoãn dán mông vào ghế, xem một mạch từ đầu đến cuối. Xem một mạch từ đầu đến cuối mới là thái độ ứng xử đúng đắn với một bộ phim. Và chỉ có rạp chiếu phim mới có sức hấp dẫn đó.
Về trải nghiệm thú vị của tôi đối với chuyện xem phim, chắc phải mất một cuốn sách để trình bày tỉ mỉ (đùa thôi). Bây giờ tôi nhớ lại một ví dụ, bởi vì tôi không nhịn được nữa rồi.
Mấy năm trước, tôi và Xù xem phim Seabiscuit ở rạp “đợt hai” Tân Phục Trân thì xảy ra một việc làm tôi cười đau cả bụng. Để nói qua nội dung phim đã. Seabiscuit do Tobey Maguire và một con ngựa cùng diễn, kể về hai câu chuyện cảm động có thật của cậu nài ngựa chột mắt và con ngựa gầy nhỏ từng bị gãy chân, đã liên tục chiến thắng các cuộc đua, làm nức lòng vô số người Mỹ trong những năm đại suy thoái kinh tế. (Về sau nài chột bị nhện đột biến gien của phòng thí nghiệm cắn một phát, sang ngày hôm sau liền biến thành người nhện, chuyện này chúng ta không cần nói kỹ...)
Lúc đang xem, toàn rạp dĩ nhiên đều tập trung vào bộ phim, nhưng cũng có những tay lang thang ngồi rạp hưởng điều hòa ngủ ngon lành, mày xem của mày, tao ngủ của tao, không ai phiền ai. Xem được khoảng hai phần ba phim, tôi bỗng nghe thấy tiếng hát léo xéo rất to từ radio. Thoạt đầu tôi ngỡ là nhạc chuông điện thoại đặc biệt, nhưng tiếng radio đó không có dấu hiệu chấm dứt. Quay ra tìm kiếm một hồi, phát hiện một bác lang thang ngồi giữa các khán giả có cái radio đang kêu chói lói;
“Có điên rồ quá không?” Tôi ngớ người, bởi vì thực sự quá điên rồ, không còn kịp nổi cáu.
Cả rạp cố gắng không bận tâm đến tiếng nhạc rất to cùng tiếng quảng cáo dịch vụ từ radio, nhưng âm thanh đó mãi không có dấu hiệu tắt. Bởi vì bác lang thang đã ngủ khoèo (có phải đang ngủ lỡ tay bật đài không thì không ai biết). Tôi không thể tập trung vào bộ phim nữa, nhưng chuyện này quả tình rất mới mẻ, nên tâm trạng cứ tiến triển theo hướng vui vẻ.
Song không phải ai cũng khùng. Nhạc đài kéo dài chừng mười mấy phút, thì có khán giả hết chịu nổi, quay đầu lại quát bác lang thang: “Ông tôn trọng người khác một tí được không!” Rất nhiều khán giản đều dồn sự chú ý sang cuộc đối đầu giữa bác lang thang với vị khán giả đang cáu.
Nhưng bác lang thang cũng không vừa, đời còn có thể tùy tiện sống qua ngày, thì giấc ngủ này đương nhiên cũng không dễ bị đánh thức. Bác ta tiếp tục ngủ say (cho thấy điều hòa và ghế ngồi trong rạp cực kỳ dễ chịu, xin nhiệt liệt giới thiệu rạp chiếu phim đợt hai: Tân Phục Trân). Vị khán giả kia vẫn chưa bỏ cuộc, thấy bác lang thang không động cựa, bèn gầm lên tức giận: “Này! Ông có thể ra ngoài nghe đài được không!”
Tôi chịu hết nổi, câu thoại này quá hài hước, nên tôi phì ra cười nghiêng ngả, đến mức Chó Xù mắng: “Thần kinh, cười gì mà cười.” Nhưng buồn cười thật mà, nhất là thấy cảnh vị khán giả kia nổi khùng đứng bật dậy, giống đứa trẻ giậm chân bình bịch, giận dữ trợn mắt nhìn bác lang thang, sau đó tức tối bỏ ra khỏi rạp, tôi không kìm được cười lăn ra ghế.
Vị khán giả không địch nổi tuyến phòng ngự ngủ say của bác lang thang, đành bại trận rút lui, tiếng radio léo nhéo vang vọng trong rạp chiếu phim. Rất lâu sau, bác lang thang mới lơ mơ tỉnh dậy, sửng sốt tắt đài, rồi lừ đừ rời khỏi rạp, dường như cũng chẳng biết vừa xong xảy ra chuyện gì. “Ôi! Ông anh ơi! Tôi hoàn toàn thấu hiểu! Đời là vậy mà!” Chỉ muốn nói với bác ta như vậy.
Viết một đống “tạp đàm” về điện ảnh, giờ đến phần trọng tâm.
Ngành điện ảnh ở Chương Hóa rất đặc biệt, hoàn toàn phụ thuộc vào tác động của phiếu giảm giá xem phim.
Trước đây, hai rạp chiếu phim của Chương Hóa đều rơi vào tình trạng bỏ không, bởi vì kết cấu ngành nghề của Chương Hóa không nhiều viên chức cổ cồn trắng (chắc là có thể nói như vậy), khán giả xem phim tiềm năng chủ yếu là học trò, học trò lại phân thành học sinh trung học và sinh viên đại học. Chương Hóa chỉ có một trường đại học, lại nằm tít núi Bát Quái, do đó về mặt kết cấu thì học sinh trung học chiếm đa số. Nhưng học sinh trung học lại là nhóm người ít tiền nhất, giá vé học sinh cho một suất chiếu ít ra phải hai trăm hai mươi tệ, không phải không đủ tiền thì cũng là không nỡ tiêu tiền. Thêm vào đó Đài Trung rất gần Chương Hóa, ở đó rất nhiều rạp chiếu phim, có các loại rạp từ chiếu phim rẻ tám chục đồng hai bộ đến rạp chiếu phim đợt hai, đến rạp sang trọng êm ái chuyên phim đợt đầu, đều đang trong tình trạng bão hòa. Vì thế những người muốn ra rạp xem phim đều bị Đài Trung thu hút mất. Dần dà, Chương Hóa phải “treo rạp”.
không biết vị cao nhân đắc đạo nào hiến kế, nhờ phiếu giảm giá xuất hiện, rạp phim ở Chương Hóa mới được cải tử hoàn sinh. Phiếu giảm giá là một loại voucher gồm 6 tấm giá trị một trăm tệ có thể xé rời, dùng được ở cả hai rạp. một bộ phim giá vé ban đầu hai trăm hai mươi tệ, nếu kết hợp với phiếu giảm giá chỉ cần một trăm hai mươi tệ. Chú ý! Phim công chiếu đợt đầu, một trăm hai mươi tệ! Xứng đáng là chiến lược kinh doanh bá đạo vô địch thiên hạ! Mặc dù thiết bị cũ kỹ, nhưng màn ảnh dù sao vẫn rất rộng, âm thanh cũng rất lớn, số ghế ngồi rất nhiều, và quan trọng hơn cả là phim mới toanh khỏi bàn cãi. Cứ đến cuối tuần, lễ tết, thậm chí các buổi tối bình thường, các rạp ở Chương Hóa lại đầy bóng dáng lũ quỷ nhỏ, khiến fan cuồng điện ảnh là tôi rất xúc động.
Còn việc phải lấy phiếu giảm giá ở đâu, chỉ cần mở mắt to ra là được. Quầy thu ngân trong các cửa hàng gần rạp phim, văn phòng các trung tâm học thêm, ngăn kéo lớp học ở trường, trong cặp sách của bạn bè v.v... đều là những chỗ cần đặc biệt lưu ý (ở Chương Cơ thì ngay bên bàn thanh toán của tiệm tạp hóa cũng có một đống ai thích thì cầm).
Thành ra nói mãi vẫn chưa vào trọng tâm. Thói quen tệ hại vô cùng. Từ Gambia về đến nay vẫn chưa sửa được thói này.
Trong thời gian mẹ bị bệnh, ngoài thời gian vào bệnh viện chăm mẹ, tôi vẫn trăm phương nghìn kế tìm cách ra rạp xem phim giải sầu. một mình cũng chẳng sao, có lúc tốt nhất là một mình. Xem phim một mình không cần bàn bạc về thời gian, càng không cần thương lượng nên chọn phim nào. Thích đi là đi, xem gì thì xem.
Chiều hôm qua đến lượt thằng út vào bệnh viện, tôi bèn hào hứng lên kế hoạch ra rạp xem bộ phim Em sẽ đến cùng cơn mưa, chắc chắn rất tốn nước mắt. Tôi không muốn tìm người xem cùng, vì đã biết sẽ khóc thì cứ khóc một trận cho nguôi ngoai tâm sự (mặc dù tôi luôn thanh toán đời mình một cách hài hước, nhưng cục tâm sự thì vẫn phải quét dọn đàng hoàng), nếu có người quen biết ngồi bên cạnh, tôi e sẽ phải ngượng ngùng đè nén cảm xúc. Đối với tôi, đây sẽ là một cảm thụ riêng tư. Mặc dù có rất nhiều người cùng khóc trong một không gian, nhưng liên can gì đến tôi.
Tiếc rằng kế hoạch thất bại. Thằng Hòa gọi điện cho tôi, hỏi có thích đi xem phim không.
“Mày thích xem gì? Em sẽ đến cùng cơn mưa nhé?” Tôi hỏi. Dù Hòa muốn xem phim này tôi cũng sẽ không đi với nó.
“Còn lâu. Chuyện không bao giờ xảy ra tao xem làm gì.” Thằng Hòa nói. Đúng như tôi đoán.
Người yêu bảy năm của thằng Hòa đã chết do tai nạn giao thông từ hai năm trước. Vì thế tình tiết ngọt ngào kiểu chết đi sống lại đối với Hòa là thứ vớ vẩn.
“Thế mày định xem gì? Sát linh à?” Tôi hỏi.
“Có phải tập hai của Bảy đêm kinh hoàng phiên bản Tây không?” Hòa hỏi.
“Ừa.” Tôi nói.
“Thế thì tao không xem, mày thích xem Boogeyman không?” Hòa hỏi lại.
Quyết luôn. Chiều hôm đó tôi và thằng Hòa xem Boogeyman, tiết tấu chậm chạp nhưng vẫn hết sức rùng rợn. Đến tối, tôi vẫn rất muốn xem bộ phim tốn nước mắt Em sẽ đến cùng cơn mưa, nhưng mắt mỏi quá, đành đau khổ từ bỏ kế hoạch xem suất đêm.
Ngày hôm sau, rốt cuộc tôi đã đi xem một mình.
một mình ra rạp xem phim, luôn phải hứng chịu rất nhiều cái nhìn khó hiểu, đánh giá người này thuộc loại tự kỷ, nhưng kệ, thà chịu đựng những ánh mắt thương hại còn hơn không được khóc thoải mái.
Đại khái cốt chuyện như sau (chuẩn bị chép tóm tắt nội dung phim). Nàng Mio xinh đẹp, cậu con trai Yuji sáu tuổi thông minh đáng yêu, và người tự nhận chẳng được việc gì, nhưng rất cố gắng làm sao để vợ con cảm thấy hạnh phúc là chàng Takumi, ba người vốn là một gia đình hoàn mỹ. Nhưng khi Yuji năm tuổi, Mio không may mắc bệnh lìa đời. Lúc lâm chung nói rằng vào mùa mưa năm sau sẽ quay trở lại, và ở cho đến khi mùa mưa kết thúc. một năm sau, vào mùa mưa phùn, Mio trở lại thật. một Mio mất trí nhớ, lại chung sống với chồng và con. Nhưng tất cả những đẹp đẽ hạnh phúc đã định sẵn sẽ đặt dấu chấm hết sau sáu tuần nữa khi mùa mưa phùn kết thúc...
Kế thừa mô hình thành công của phim tình cảm Nhật Bản, Em sẽ đến cùng cơn mưa có cốt truyện có thể nói là không hề mới, nhưng chẳng hề gì. Trọng tâm không nằm ở việc trở về từ cõi chết hay những phát kiến về liên lạc xuyên không gian thời gian, mà nằm ở những tình cảm đời thường rất tinh tế. Bộ phim giống như một cái nồi đầy nước ấm, người xem giống con ếch nhảy vảo nước ấm, lửa dưới đáy nồi đun từ từ, con ếch mơ màng ngẩn ra trong làn nước nóng dần lên mà không biết, cho đến khi bị luộc chín. Suốt quá trình không một chút giãy giụa, hoàn toàn mất hết sức đề kháng.
thật ra chỉ mới chiếu ba phút tôi đã bắt đầu khóc, quả là một thằng yếu đuối. Tại sao, là vì bộ phim khơi gợi trực tiếp những trải nghiệm tình cảm và hình ảnh chôn giấu trong lòng khán giả, trong khi tôi vốn thích xem phim và thích nghĩ ngợi lung tung. Trong quá trình xem, để tránh bị phát hiện rằng đang khóc, tôi lựa một chỗ ngồi bên cạnh không có ai, rồi co rụt người xuống thật thấp. Nhưng vì quá yếu đuối, không những tự nuốt khá nhiều mũi dãi, còn thu hút nửa gói giấy từ hàng ghế sau chuyển xuống, của bốn cô gái đi xem cùng nhau bố thí cho tôi. không hề lãng mạn, rất mất mặt.
Hết phim, tôi dùng “thuật ẩn thân” mau chóng chuồn ra khỏi rạp.
Thực sự rất muốn cùng Xù đẻ ra một đứa nào đó xem sao.
21/4/2005
Puma thực sự rất già.
Tuần trước định chở Puma đi chơi bằng xe máy, Puma cho được hai chân trước lên sàn để chân, định gồng mình bò lên xe thì bất ngờ mất thăng bằng ngã ra đất lăn mấy vòng. Lúc đó tôi còn chưa kịp lo lắng, đã thấy Puma vụng về đúng dậy, thè lè lưỡi, bộ dạng rất hài hước, khiến tôi phì cười. Bà nội đứng cạnh nhìn thấy, bèn bế hẳn Puma đặt lên sàn xe, để tôi chở nó đi dạo núi Bát Quái.
Puma ngủ ngày càng mê mang, phản xạ với xung quanh trở nên chậm chạp.
Phải biết giống Fox sóc rất thần kinh. Trước đây tôi ở trên tầng hai nhón chân rón rén di chuyển, Puma đang ngủ say dưới tầng một cũng bật dậy sủa nhặng xị bắt tôi phải xuống nhà ôm nó ngủ mới thôi. Có lần ba về nhà muộn, cửa sắt ở nhà đã kéo xuống. Ba đi bộ tít từ ga tàu về nhà, tôi hoàn toàn không hay biết, nhưng Puma nghe thấy hoặc ngửi thấy gì đó, cứ thế hướng ra cửa mà sủa.
Nhưng bây giờ, Puma đã già nua chậm chạp. Tôi mở cửa sắt xoang xoảng, đóng cửa lại, đến bên cạnh nó bật máy tính, uống nước ăn bánh, lướt web nửa tiếng đồng hồ xong Puma mới lơ ngơ tỉnh giấc, hơn nữa không hề biết chuyện gì đã xảy ra.
Tối trước hôm đi xem Em sẽ đến cùng cơn mua, khuya muộn tôi mới từ nhà về đến tiệm thuốc, vuốt ve Puma mấy cái liền và gọi tên nó, Puma mới lơ mơ mở mắt.
Puma thấy tôi đương nhiên rất mừng rỡ, nó loạng choạng cả đoạn đường theo tôi sang cột điện đối diện để tè. Nhưng mới giơ chân sau lên một lúc đã không còn sức giữ thăng bằng, liền bị trượt chân. Tôi lại phì cười, một thằng chủ tồi tệ. Ai bảo Puma cũng rất hài hước, nhìn tôi mà ngoác mõm ra cười, như thể đang nói: “Ùi, em đâu còn cách nào khác?”
Mấy hôm trước, chân sau của Puma ngày càng yếu rõ rệt, đi lại mà như chuồi chốt[1], động một tí là trượt ngã, trông khá hài hước, nhưng cũng xót xa. Việc ngồi cũng có vẻ rất vất vả đối với nó, vì thế Puma hễ thấy nằm được thì không bao giờ ngồi. Cả đến động tác dâm ô là ôm cẳng chân tôi để giao phối nó cũng không làm được nữa, vì hai chân sau không đỡ nổi thân. Dường như Puma rất giận bản thân, thất bại lập tức sủa váng, rồi nằm lăn ra đất tỏ vẻ tội nghiệp.
[1] Động tác kỹ thuật chuồi (hoặc trượt người – slide) để chiếm chốt (base) trong môn bóng chày. (ND)
Mặc dù Puma sủa lên nghe vẫn dồi dào sức lực, nhưng tôi lại liên tưởng tới vấn đề thiếu chất. Thế là bắt đầu bồi bổ cho Puma ăn món ngon, bột Canxi vị rất nặng, và thuốc đặc trị thương hiệu mẹ hiền. Cả đến bà nội, người rất hay giả vờ không đoái hoài đến Puma, cũng đích thân đi mua chân gà.
Nhưng cuối cùng, anh cả vẫn bê Puma đi khám thú y, để xác định tóm lại Puma có chuyện gì. Bác sĩ nói, Puma mắc bệnh viêm khớp thoái hóa. Tuy bệnh đến có vẻ đột ngột, nhưng nguyên nhân không có gì lạ, là lão hóa. Uống thuốc có thể giảm bớt các triệu chứng của viêm khớp, nhưng không trị tận gốc được, trừ phi có thuốc trường sinh bất lão. Tôi chắc là không tìm nổi, đành tới đâu hay tới đó.
Già rồi mà... Ôi, tôi cũng già rồi.
Những năm tháng Puma trẻ trung dâm ô thật lực cái cẳng chân tôi, cũng là thời gian gia đình tôi trẻ trung nhất. Puma già rồi, cả nhà tôi cũng không còn trẻ nữa.
Hồi trước tôi có thể hai giờ sáng đi ngủ sáu rưỡi dậy, liên tục mấy ngày cũng không sao. Bây giờ bất luận ngủ muộn thế nào, đều phải bảy tiếng đồng hồ mới đủ giấc, không hề lãi thêm chút thời gian nào nhờ thức khuya. Lạc đề rồi. Xét theo tuổi của loài chó, Puma mười ba tuổi tương đương con người tám mươi mấy tuổi, đã lên chức lão làng rồi.
Bác sĩ thú y nói với anh cả, ông rất hiếm gặp loài Fox sóc già như thế, sức khỏe của Puma như vậy đã là khá lắm rồi. Cả Chương Hóa chắc không được mấy con Fox sóc già thế này. Bác sĩ còn bảo, nếu Puma sống được đến mười chín tuổi, ông sẽ mời nhà báo đến phỏng vấn. Xem ra một con chó mười chín tuổi không những được giới chó kính trọng, còn xứng đáng để con người vỗ tay hoan hô.
nói thật tình, với một con chó, thì Puma rất ngon trai, lại còn mặt baby. Nếu một chó cái sexy gặp nó mà không hôn lưỡi kiểu Pháp thì không thể biết Puma đã móm sạch trơn. Vì thế tôi không có mấy cảm giác về việc Puma 13 tuổi là người, hẳn đã học tới năm thứ hai trung học cơ sở! Trời ơi hồi đó tôi đang làm gì? yêu thầm cô bạn học, khổ sở với hệ hai phương trình bậc nhất hai ẩn, phân tích đa thức thành nhân tử không khác gì lục nhâm độn giáp, lại còn bảng tuần hoàn nguyên tố hóa học in cuối sách...
“Thế mà mày chẳng biết gì cả.” Tôi ôm Puma, nó thè lưỡi cười ngớ ngẩn, vẻ không để tâm.
Tôi rất yêu Puma, cũng đã giao hẹn với nó rồi. Nếu nó kiên cường tiếp tục sống, thì sẽ làm bạn cưng của con cái tôi. Nếu nó tài hoa mệnh bạc, tôi hy vọng nó sẽ nhớ kỹ mặt tôi, kiếp sau đầu thai làm con cái tôi.
Mỗi lần dắt Puma lên phòng thờ tầng bốn thắp hương, tôi đều bế nó lên, để hai chân trước của nó chắp lại tự nhiên, sau đó vái vái, đăng ký với Quán Thế âm Bồ tát, xin Bồ tát hãy nhắc giùm ở thế giới vị lai, vì khả năng là Puma sẽ không nhớ nổi tên tôi, bảo nó làm sao để đầu thai trở về với tôi, làm con trai tôi.
Lúc đó tôi sẽ dạy nó làm phân tích đa thức thành nhân tử vậy!
26/4/2005
Từ Đài Bắc về. Hôm nay đến lượt tôi vào viện chăm mẹ.
Thời gian này, việc kinh doanh của tiệm thuốc rất kém. Mẹ không ở nhà, mất rất nhiều khách thích tỉ tê tán gẫu, doanh thu ảm đạm. Có lúc tôi ngồi viết truyện ở quầy thuốc, cả buổi chiều chẳng có lấy một khách hàng. Cầm đơn đến lấy thuốc cũng chỉ có mấy cô gái bao.
thật ra anh em tôi vẫn đang nghĩ về việc có nên thừa lúc kinh doanh ảm đạm, khuyên ba mẹ suy nghĩ nghiêm túc về việc nghỉ hưu, đừng vất vả thế này nữa. Ngày nào cũng chín giờ sáng mở cửa, mười giờ đêm đóng cửa. Khách đông thì vất vả, khách ít lại khó khăn. Bất kể từ góc độ xã hội học, tâm lý học hay kinh tế học thì việc này đều không hợp lý. Khoản nợ còn lại của gia đình, chỉ cần không phát sinh việc ngoài ý muốn, thì năm triệu chia cho ba cũng không có gì quá nặng nề.
Hôm qua từ Đài Bắc về đến Chương Hóa rất khuya. Vì sao đi Đài Bắc, là vì kiếm Xù đi xem phim. Rất lâu rồi không xem phim với Chó Xù, lựa một bộ phim loại giả tưởng, không có gì mới lạ nhưng khá hay: Panic room. Xem xong, ngồi ăn trong quán Starbucks ngoài trời, trên lầu của quảng trường Vi Phong. nói chuyện về ước mơ đoạt giải thưởng lớn về phim giả tưởng của tôi.
Rất rất lâu rồi không giãi bày tâm sự với Xù cảm hứng sáng tác của tôi. Thử một chút, vẫn rất ăn ý. Xù khuyên tôi mau chóng xây dựng ý tưởng thành tiểu thuyết hoàn chỉnh được bảo hộ bản quyền, và còn dự đoán tôi sẽ giật giải lớn quốc tế về phim giả tưởng. Ôi, thuận lợi may mắn thế thì còn gì bằng, chẳng qua vẫn là động viên thôi.
Thế là tôi không nhịn được bật máy tính xách tay lên, cho Xù xem truyện ngắn Sát thủ, Giác trong hệ liệt Sát thủ tôi mới hoàn thành. Sau đó bẽn lẽn ngắm nhìn biểu cảm của Xù. Thấy Xù đọc mà rơi nước mắt, tôi nghĩ có lẽ... có lẽ truyện rất tuyệt vời, kha kha.
hiện tại là 2 giờ 20 phút sáng. Mẹ đang nằm trên giường. Mẹ tỉnh giấc từ một giờ trước, mãi vẫn chưa ngủ lại được. Ngày thứ mười hai rồi. Hôm nay có kết quả xét nghiệm máu. Lượng bạch cầu khả dụng là 500 bạch cầu/mm3 máu, tiểu cầu 70000, hồng cầu 8,4. Mẹ không bị sốt, mọi thứ đều thuận lợi.
Rất muốn viết một chút về mẹ, thế nên nghĩ đến một cảnh tượng.
Để giúp chúng tôi làm bài tập ở trường, mẹ có thể làm một người mẹ “thủ kho”. Ở mức thông thường, mẹ cất giữ các sách tham khảo, sách giáo khoa và cả vở bài tập của anh cả hết sức đầy đủ. Đợi lúc tôi lớn bằng tuổi đó của anh, ngoài sử dụng sách tham khảo của mình, tôi còn phải xem hết đống sách của anh cả để lại.
Nếu buổi tối tôi phải làm bài tập toán, mẹ sẽ lấy bài tập của anh hồi xưa làm đáp án. Tôi làm xong, mẹ đem so hai bản mới và cũ, chấm bài tôi trước cả giáo viên. Nếu tôi làm sai, lập tức phải biết tại sao, không được đợi đến hôm sau. Còn làm sao để tôi biết tại sao, thì hỏi anh cả à? Dĩ nhiên không, vẫn phải phiền đến mẹ dạy cho. Nhưng mà, để mẹ đỡ phải ngủ muộn, đứa con hiếu thảo đã chớp thời cơ mẹ không chú ý, lén chép một mạch bài tập của anh cả, và cũng hoàn thành sự nghiệp tiểu học với phương thức hiệu quả nhất.
Ngoài vở tập và sách tham khảo, mẹ còn lưu giữ tất cả bài kiểm tra của anh cả, chép cẩn thận đáp án vào mặt sau bài kiểm tra hoặc ra một tờ giấy trắng khác, sau đó tẩy hết đáp án viết bằng bút chì trên bài làm, bắt tôi làm lại một lượt, sau đó thảo luận về đáp án chuẩn, sửa sai và rút kinh nghiệm. Đêm trước ngày kiểm tra định kỳ, thi cuối tháng v.v... đều phải làm như vậy, coi như tập trận.
nói thẳng là chán gần chết. Giờ nghĩ lại, điểm chắc không cao cũng chẳng đến nỗi chết, nhưng tôi thiếu lập trường để phàn nàn về chế độ giáo dục nặng nề, không phải là vì mẹ thu thập tài liệu hết sức vất vả, mà vì tôi còn có thằng em – cái thằng sẽ phải làm hết các bài kiểm tra của anh cả và tôi đã làm.
Đối với việc học của chúng tôi, mẹ có một chuyện đến giờ vẫn khiến tôi cảm động.
Trung học cơ sở năm đầu tiên, tôi học rất tệ, cực kỳ dở tệ, dở đến mức nào có thể thấy từ số liệu. Cả trường có hơn 520 học sinh năm đầu trung học cơ sở, kỳ kiểm tra tháng đầu tiên, tôi tả xung hữu đột chiếm được vị trí thứ 486. Nếu xếp lại lớp theo điểm kiểm tra, chắc là tôi sẽ đúng thứ nhất trong lớp cuối cùng. Năm đó cả hai học kỳ tổng cộng sáu lần thi cuối tháng, môn toán tôi chưa bao giờ đạt trung bình, lần cao nhất chính là kỳ thi đầu tên, 48 điểm, tột cùng giới hạn rồi. Từ đó, có thể thấy về môn toán tôi là nhân tài xuât chúng xếp từ dưới lên.
Nhưng hồi đó tôi vào lớp mỹ thuật, điểm chác kém không làm tôi bận tâm cho lắm. Dù sao tôi cũng chỉ muốn trở thành họa sĩ truyện tranh cự phách, cự phách tới mức tại quê hương truyện tranh là Nhật Bản tôi vẫn thuộc hạng cự phách. Để có thể đẩy công lực truyện tranh tới mức cự phách đó, tôi không coi thành tích học tập ra gì, trong giờ ngoài giờ đều vẽ truyện tranh, còn vẽ theo kiểu nhiều tập nữa, cho các bạn chuyền tay nhau đọc dưới hộc bàn. Nếu say mê vẽ truyện tranh như vậy mà môn toán của tôi vẫn có thể đạt loại xuất sắc thì chắc chắn tôi phải là một em bé thiên tài.
Chứ còn gì nữa. Tôi đâu phải thiên tài, cách hai chữ này rất xa.
Nhưng mẹ lại không nghĩ vậy. Sau khi mất công cho tôi đi học thêm vẫn không cải thiện nổi điểm chác của tôi, mẹ đích thân ra tay, thử dạy tôi môn toán trung học cơ sở.
Hồi đó tôi thực sự ngu dốt. Chỉ bốn chữ “âm âm là dương” đã đủ phá nát logic trong não tôi. nói thật, đến bây giờ tôi vẫn không thể chấp nhận quan điểm “âm dương là âm”, “dương âm là âm” cũng không thể hiểu nổi. Vô lý cả cục! bởi vậy dù tôi nhẩm thuộc lòng được thì vẫn không áp dụng nổi vào các phép tính, để giải ra đáp án chính xác.
Thực ra mẹ cũng không thực sự hiểu cái logic quái gở “âm âm là dương”, nhưng vẫn quyết tâm học, để rồi dạy tôi. Trước tiên mẹ giải ra một phép toán, xem xét chắc chắn không phải làm mò, sau đó yêu cầu tôi bình tĩnh phân tích phép toán, tỉ mẩn tìm ra những bước nào tôi làm sai. Mẹ ngồi cạnh xem tôi luyện tập nhiều lần, đến lúc nào mẹ chắc chắn tôi không làm mò ra kết quả mới chịu đi ngủ.
Trời ơi, đó là cả một sự đàn áp tinh thần khủng khiếp.
Mẹ làm tôi cảm thấy mình thật ngu dốt, một thằng oắt suốt ngày hợm hĩnh mà năng lực lý giải toán học lại kém một bà suốt ngày cơm nước giặt giũ bán hàng. Bị sốc nặng, nhưng cũng không thể không thừa nhận mình dốt.
Nhưng mà nghĩ lại, mẹ thực sự vô cùng đáng yêu.
28/4/2005
Bài viết cảm tưởng này được cho vào cuốn Mẹ, thơm một cái, có một nguyên nhân nhỏ.
Trước khi viết cảm tưởng về lần thuyết trình ở khoa Ngữ văn đại học Nam Hoa ở Đại Lâm, Gia Nghĩa, tôi phải tố cáo con dĩn. Trước khi đến Đại Lâm, tôi đã bị dĩn tấn công trên xe điện, cánh tay trái bị đốt hai nốt, ngứa muốn chết.
Da của tôi dị ứng nặng với dĩn, đến giờ vẫn sưng, ngứa kinh khủng. Còn vết dĩn cắn từ hồi tảo mộ năm nay đến giờ cũng vẫn ngứa đây!
Quay lại việc thuyết trình, chà, mọi người nhiệt tình tham gia đông đảo làm tôi hơi xúc động, nhưng choáng nhất là cảnh một người giả làm Jay Chou ngồi hàng ghế đầu đột ngột cởi phăng áo, để lộ vú trái vẽ màu rất kinh hoàng. Đúng lúc tay tôi đang mân mê sợi chun (có ai lại vừa chơi dây chun vừa thuyết trình?), định thần xong, bèn mời anh ta đứng lên lần nữa, bắn dây chun nhằm vào đầu vú anh ta. Đáng tiếc dây chun bay ra dường như lại bị một sức hút nào đó cản trở, bắn không trúng.
Do sắp xếp rất sát buổi thuyết trình ở Đại Nghiệp, nên khi phát hiện cuối hội trường có những gương mặt quen thuộc, tôi thực sự thấy xấu hổ. Nếu tôi có một trăm ý tưởng thuyết trình và bí quyết kể chuyện thì tốt, sẽ chia thành một trăm buổi diễn thuyết. Đáng tiếc thay, tôi vẫn lặp lại một phần trình bày. Phần trình chiếu của tôi chủ yếu dùng bản màu của 20th Century Boys cùng với các tranh minh họa màu của dân mạng Đại lục. Tôi thêm vào một số hình kích động về đàn ông cơ bắp săn trên mạng, và ương ngạnh đặt trên chủ đề là “Công lý không bao giờ chết.”
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian